Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại

[ ] 08/05/2016

12801405_10153622626678386_6987058918635736097_n

Các mô hình quản lí nhà nước hiện đại được dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ từ nguyên tác Models of Democracy của David Held, Đinh Tuấn Minh hiệu đính, là một cuốn sách quan trọng bàn luận về các mô hình dân chủ mà thế giới đã từng xây dựng nhưng khó đọc, ngay cả với tầng lớp trí thức tinh hoa của Việt Nam quan tâm đến các vấn đề chính trị bởi cuốn sách các vấn đề bàn luận về mô hình chính trị một vấn đề mang tính tổng quát và trừu tượng.

Mô hình dân chủ trực tiếp mà Việt Nam đang áp dụng với nét đặc trưng là công dân trực tiếp bầu chọn hội đồng nhân dân, những người đại diện cho quyền lợi của mình ở địa phương và trực tiếp bầu chọn đại biểu quốc hội, những người đại diện cho quyền lợi của mình ở tầm quốc gia là một trong bốn mô hình dân chủ kinh điển được giới thiệu trong sách. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bảo Việt Nam là một quốc gia dân chủ hoàn toàn có thể biện minh được về mặt học thuật vì mô hình dân chủ trực tiếp vẫn được xếp vào một trong 4 mô hình dân chủ kinh điển của thế giới.

Những người không hài lòng với mô hình dân chủ trực tiếp đang được áp dụng ở Việt Nam nên dành thời gian để đọc cuốn sách này bởi việc hiểu các mô hình dân chủ đã được áp dụng trên thế giới từ xưa đến nay sẽ giúp khai mở cho câu hỏi: Vì sao đó là một mô hình không hoạt động tốt như mong muốn và có những mô hình nào hoạt động tốt hơn không?

Việc tìm hiểu mô hình chính trị mà Việt Nam đã và đang áp dụng trong thời gian qua cũng sẽ giúp người đọc trả lời cho những câu hỏi hóc búa: Tại sao sau 1975 nhà nước lại tịch thu toàn bộ tư bản tư nhân có giá trị lớn hay còn gọi là đánh tư sản, tại sao chính quyền miền Bắc lại tiến hành tịch thu ruộng đất của địa chủ để chia cho nông dân nghèo, tại sao các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp lại được thống nhất,… Tất cả các hiện tượng đó không phải do một cá nhân hay một tổ chức nào đó tự ý nghĩ ra và đem áp dụng vào xã hội một cách ngẫu nhiên mà nó là hệ quả tất yếu của việc áp dụng mô hình vào thực tế. Khi mục tiêu của xã hội chủ nghĩa là bình đẳng cho tất cả mọi người thì việc áp dụng các biện pháp quốc hữu hóa tài sản của giai cấp tư sản sẽ diễn ra cho dù quốc gia áp dụng là Liên Xô, Việt Nam hay Trung Quốc. Chúng ta thường hay có khuynh hướng đổ lỗi cho cá nhân hơn là tìm hiểu xem vì sao hệ thống lại có hành vi như thế.

Việc tìm hiểu mô hình sẽ giúp người đọc có khả năng dự đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai khi mô hình đó được áp dụng. Chẳng hạn nếu một người vào năm 1954 hiểu được mô hình xã hội chủ nghĩa thì có thể dự đoán được cải cách ruộng đất sẽ diễn ra, sau đó là các cuộc cải cách công thương nghiệp, và những cuộc đánh tư sản ở miền Nam sau khi đất nước thống nhất. Khi một mô hình đã được lựa chọn thì những gì xảy ra ở các quốc gia lựa chọn mô hình đó tương tự như sau, nói cách khác mô hình sẽ quyết định hành vi của mỗi cá nhân.

Những kết quả mà Việt Nam đang có ở hiện tại đó là hệ quả tất yếu của việc chọn lựa mô hình dân chủ trong quá khứ của cha ông chúng ta. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận sự lựa chọn đó. Bởi vì chúng ta không thể thay đổi được quá khứ.

Đến lượt con cháu chúng ta trong tương lai cũng sẽ thừa hưởng kết quả của sự lựa chọn của chúng ta ở hiện tại. Đó là lý do quan trọng nhất cần phải tìm hiểu về các mô hình dân chủ bởi sự lựa chọn của chúng ta ở hiện tại về mô hình dân chủ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai mai sau.

Các bình luận

các bình luận

Chuyên mục: Kinh tế - xã hội