Thuyết phản hồi của Soros

[ ] 20/06/2014

The-Alchemy-of-Finance-by-George-Soros

Trong cuốn Giả kim thuật về tài chính, cuốn sách mà nhà đầu cơ huyền thoại Soros dùng để lý giải sự vận hành của thị trường tài chính, ông đã dành một chương để giải thích sự vận hành của thị trường cổ phiếu.

Lý thuyết thị trường hiệu quả cho rằng “thị trường chiết khấu đầy đủ tất cả những diễn biến tương lai” và như vậy cơ hội của người tham gia riêng lẻ làm tốt hơn hay kém hơn thị trường, xét về tổng thể, là ngang nhau. Lý thuyết thị trường hiệu quả nói rằng nhà đầu tư không thể “đánh bại được thị trường – beat to the market”. Những quỹ chỉ số ETF ra đời dựa trên cơ sở của lý thuyết đó.

Lý thuyết thị trường hiệu quả nói rằng thị trường luôn định giá đúng cổ phiếu bằng cách chiết khấu giá trị của một công ty nào đó trong tương lai. Nếu bạn nào học CFA hay học về đầu tư tài chính thì trong chương trình đầu tư tài chính có dạy về cách định giá doanh nghiệp, một trong ba phương pháp định giá doanh nghiệp là phương pháp chiết khấu dòng tiền, dùng để tính toán dòng tiền mà doanh nghiệp sẽ tạo ra trong tương lai, sau đó chiết khấu về hiện tại, sẽ ra giá cổ phiếu.

Lý thuyết thị trường hiệu quả, Soros thường gọi đó là thuyết cân bằng được các nhà kinh tế học và tài chính dùng để giải thích về thị trường, trái ngược với lý thuyết boom – bust – bùng nổ và đổ vỡ. Lý thuyết giải thích rằng giá cổ phiếu sẽ biến động xoay quanh giá trị của công ty trong một biên độ hẹp, khi giá cổ phiếu cao hơn giá trị nội tại của công ty, sẽ có một lực bán ra kéo cổ phiếu trở về giá trị nội tại, khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại của công ty, sẽ có một lực mua vào.

Soros bảo rằng điều đó không đúng, ông nói: “Tôi có quan điểm hoàn toàn đối ngược. Tôi không chấp nhận đề xuất là giá cổ phiếu là phản ánh thụ động của yếu tố cơ bản, tôi cũng chẳng chấp nhận đề xuất là sự phản ánh đó hướng tới sự tương ứng với giá trị cơ bản. Tôi dám chắc rằng những đánh giá của thị trường luôn luôn méo mó; hơn thế nữa – và đây là sự rời bỏ thiết yếu khỏi lí thuyết cân bằng- những sự méo mó này có thể ảnh hưởng đến các yếu tố cơ bản. Giá cổ phiếu không đơn thuần là phản ánh thụ động; chúng là thành phần tích cực trong một quá trình, trong đó giá cả cổ phiếu và những cơ may của các công ty, mà cổ phiếu của chúng được giao dịch, được quyết định. Nói cách khác, tôi coi những thay đổi trong giá cổ phiếu như một phần của một quá trình lịch sử và tôi tập trung vào sự chênh lệch giữa những kì vọng của người tham gia và diễn tiến thực sự của các sự kiện như một nhân tố nhân quả của quá trình đó”.

Ông muốn nói rằng “thị trường luôn méo mó”, giá cổ phiếu không phản ảnh yếu tố cơ bản như lý thuyết thị trường hiệu quả đề xướng, nó phản ảnh thiên kiến của nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Giá cổ phiếu còn ảnh hưởng đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và do đó nó làm thị trường càng méo mó hơn.

Các bạn hình dung một mối quan hệ nhân quả giữa cổ phiếu chứng khoán và các công ty chứng khoán. Khi giá cổ phiếu các công ty chứng khoán giảm do nhà đầu tư bán ra thì thanh khoản của các công ty chứng khoán sụt giảm, do đó lợi nhuận của công ty chứng khoán sụt giảm theo. Khi lợi nhuận của các công ty chứng khoán sụt giảm thì nhà đầu tư dựa vào các yếu tố cơ bản sẽ đánh giá rằng các yếu tố cơ bản đang xấu đi và họ sẽ định giá thấp giá trị của các công ty chứng khoán và họ sẽ bán ra cổ phiếu, giá cổ phiếu chứng khoán càng sụt giảm. Một vòng phản hồi giữa giá cổ phiếu chứng khoán – thanh khoản thị trường – lợi nhuận công ty chứng khoán được hình thành. Soros bảo giữa giá cổ phiếu và các yếu tố cơ bản của cổ phiếu có mối quan hệ phản hồi.

Sự phản hồi xuất hiện trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, giữa giá cổ phiếu bất động sản và giá bất động sản, giữa giá cổ phiếu chứng khoán và lợi nhuận công ty chứng khoán.

Soros không xem giá cổ phiếu như là một biến số độc lập mà xem giá cổ phiếu là một thành phần trong hệ thống.

PS: Một ví dụ về thuyết phản hồi trên thị trường cổ phiếu. Giả sử thị trường có 10 nhà đầu tư và tất cả 10 nhà đầu tư đều đang sử dụng margin. Nhà đầu tư thứ nhất bán ra cổ phiếu làm giá cổ phiếu giảm, do giá cổ phiếu giảm ảnh hưởng đến tỷ lệ margin call nên nhà đầu tư thứ hai bán ra cổ phiếu, tương tự như thế nhà đầu tư thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín bị ảnh hưởng và phải bán ra cổ phiếu.

Nhà đầu tư thứ ò bán ra cổ phiếu lại làm giá cổ phiếu sụt giảm mạnh hơn nữa và ảnh hưởng đến nhà đầu tư thứ 1. Đó là một ví dụ về phản hồi trên thị trường tài chính, nghĩa là hành động của nhà đầu tư này sẽ làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư khác. Việc bạn bán ra, mua vào cổ phiếu sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ thống và bạn chính là một thành phần trong hệ thống đó.

Một ví dụ về tính phản hồi giữa giá nông sản với việc trồng nông sản của nông dân. Giá nông sản tăng sẽ làm nông dân có lời nhiều hơn, khi có lời cao hơn, nông dân sẽ trồng nhiều nông sản hơn, khi nông sản được trồng nhiều hơn đến mùa thu hoạch, giá nông sản sẽ giảm, giá nông sản giảm nông dân sẽ trồng ít đi, khi đó giá lại tăng lên.

Một vòng phản hồi liên hệ giữa giá nông sản và quyết định trồng nông sản của nông dân sẽ tạo ra biến động giá nông sản.

Các bình luận

các bình luận

Chuyên mục: Chia sẻ, Kinh tế - xã hội